Bình Định: Phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh (07-07-2023)

Tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã phế duyệt “Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030” nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bình Định: Phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
Ảnh minh họa

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 95.000 m3. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm, cụ thể: Nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 2.400 ha (nuôi quảng canh hồ chứa 2.250 ha, nuôi ao 150 ha), thể tích lồng nuôi đạt 35.000 m3; sản lượng đạt 2.400 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn đạt 1.900 ha (nuôi tổng hợp tôm - cua - cá 1.230 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 620 ha, nuôi thủy đặc sản 50 ha); sản lượng tôm nước lợ 15.500 tấn/năm; cá biển và các loài thủy đặc sản nuôi trong ao nước lợ 1.680 tấn/năm. Tổng thể tích lồng nuôi biển đạt 60.000 m3, sản lượng 300 tấn/năm (cá bớp, mú, chẽm,… 270 tấn, tôm hùm 30 tấn); trồng rong biển 02 ha, sản lượng 120 tấn/năm.

Chủ động sản xuất, cung ứng 30% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi). Đầu tư, hoàn thiện hạng mục nhà máy chế biến tôm, nhà máy sản xuất thức ăn tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 20% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực).

Đến năm 2030, diện tích nuôi 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 160.000 m3. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.000 tấn/năm, cụ thể: Nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 2.400 ha (nuôi quảng canh hồ chứa 2.250 ha, nuôi ao 150 ha), thể tích lồng nuôi đạt 60.000 m3; sản lượng đạt 2.700 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn đạt 1.900 ha (nuôi tổng hợp tôm - cua - cá 1.130 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 720 ha, nuôi thủy đặc sản 50 ha); sản lượng tôm nước lợ 19.000 tấn/năm; cá biển và các loài thủy đặc sản nuôi trong ao 1.300 tấn/năm. Tổng thể tích lồng nuôi biển đạt 100.000 m3, sản lượng 600 tấn/năm; trồng rong biển kết hợp nuôi nhuyễn thể 10 ha, sản lượng 400 tấn/năm.

Chủ động sản xuất, cung ứng 50% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi). Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đưa vào vận hành sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong cung ứng con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm thương phẩm cho cả khu vực tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực).

Sản xuất giống thủy sản sạch bệnh, tăng trưởng nhanh

Phát triển công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện môi trường. Hạn chế dùng thuốc, hóa chất có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất nhân tạo các giống thủy sản mới, có tiềm năng phát triển; giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, sạch bệnh.

Nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài:

Đối với tôm nước lợ, đẩy mạnh sử dụng nguồn giống tôm bố mẹ gia hóa trong nước. Cung cấp giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh.

Đối với giống các đối tượng nuôi nước ngọt, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất ương dưỡng (nhất là các giống cá rô phi/điêu hồng phục vụ cho phát triển nuôi lồng bè trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện). Thực nghiệm sản xuất nhân tạo các loài mới. Bảo tồn và phát triển nguồn lợi giống chình mun. Khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn giống chình bông phục vụ nuôi thương phẩm.

Đối với giống các đối tượng nuôi biển, kêu gọi đầu tư công nghệ sản xuất giống, ương dưỡng, chọn tạo giống phù hợp, tập trung vào các đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng; chuyển đổi diện tích nuôi tôm nước lợ ven đầm, ven biển không hiệu quả sang ương dưỡng giống các đối tượng cá biển như: cá măng, cá mú, cá dìa, cá bớp, cá chim vây vàng... Đẩy mạnh phát triển nghề ương tôm hùm giống. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng giống từ nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên.

Phát triển nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tích cực chuyển đổi nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Và sẽ phát triển nuôi theo nhóm loài:

Đối với tôm nước lợ, sẽ tổ chức lại các hộ nuôi tôm theo các hình thức hợp tác phù hợp (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ cộng đồng), hình thành từng vùng nuôi tập trung nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và củng cố vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến như công nghệ Biofloc, RAS... (để tiết kiệm nước, nhiên liệu, thân thiện môi trường).

Cùng với đó, thực hành sản xuất an toàn sinh học, như: nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi, nuôi 02 - 03 giai đoạn… Và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi Semi Biofloc tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Đặc biệt là tỉnh sẽ xem xét chuyển đổi một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh - bán thâm canh sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Đối với cá rô phi/điêu hồng, tỉnh sẽ khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nuôi lồng bè tại các địa điểm mới, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Khuyến khích đầu tư phát triển nuôi cá rô phi/điêu hồng trên địa bàn tỉnh theo hình thức nuôi lồng, tập trung tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng. Sử dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trị bệnh đối với các vùng nuôi lồng bè tập trung. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nuôi trong mùa nắng nóng, diễn biến thời tiết thất thường; biện pháp thu hoạch phù hợp trước khi có mưa lũ xảy ra. Xây dựng chuỗi liên kết để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đối với các loài cá truyền thống, bản địa, thủy đặc sản: Ưu tiên phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao và thị trường ưa chuộng như cá thát lát, cá lăng nha, cá lóc, rạm, ốc bươu đen…; khai thác tiềm năng mặt nước sông, suối, hồ chứa, hồ thủy điện, thủy lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm, tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân.

Đối với các đối tượng nuôi biển (như cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển), Bình Định sẽ tiến hành điều tra đánh giá thực trạng, xác định tiềm năng và đề xuất khu vực phát triển nuôi biển (để làm cơ sở tích hợp quy hoạch nuôi biển vào Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050). Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại để phát triển nuôi lồng bè tại vùng biển phù hợp; kết hợp giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển. Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài.

Chế biến sâu một số sản phẩm từ rong biển

Phát triển mô hình trồng rong kết hợp với nuôi thủy sản; trồng bằng giàn dây căng sử dụng phao nổi nhựa HDPE kết hợp nuôi hàu, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động nuôi biển, thực hiện tốt vốn tín dụng đầu tư phát triển, chính sách bảo hiểm cho người lao động và cơ sở nuôi biển.

Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để phát triển nuôi biển. Cụ thể là đầu tư cho các vùng sản xuất giống, vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển, hệ thống quan trắc môi trường nuôi biển tự động… Tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán; chuyển sang hình thức đồng quản lý (Tổ tự quản, Tổ hợp tác, Hợp tác xã).

Tuyên truyền chuyển đổi sử dụng thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý các sản phẩm thủy sản nuôi biển của Bình Định để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác